Chương trình khuyến mãi tại Suzuki World Hoàng Quốc Việt

0 nhận xét
Cửa hàng triển khai chương trình khuyến mãi lớn nhằm đem đến giá trị gia tăng cho khách hàng cùng nhiều quà tặng, chính sách ưu đãi.

Chương trình khuyến mãi tại Suzuki World Hoàng Quốc Việt
Xe Viva, tiết kiệm nhiên liệu (118km một lít xăng).
Suzuki World tại 24 Hoàng Quốc Việt là cửa hàng trực tiếp của Suzuki tại Hà Nội. Chương trình ưu đãi sẽ được Suzuki World triển khai trong tháng 10: tặng ngay một triệu đồng khi mua xe Suzuki Viva 115 FI, Raider 150, HAYATE và một mũ bảo hiểm chính hãng. Khách hàng mua xe Raider sẽ được nhận mũ bảo hiểm in logo của hãng với kiểu dáng cả đầu có cằm trị giá một triệu đồng; tặng 500.000 đồng phí trước bạ khi mua xe Suzuki Axelo 125 côn tay và một mũ bảo hiểm chính hãng Suzuki; tặng 4 triệu đồng khi mua xe Suzuki UA 125T cùng quà khuyến mại trị giá lên đến 600.000 đồng (một mũ bảo hiểm và một áo mưa chính hãng Suzuki); mua xe Impulse, khách hàng được tặng kèm một mũ bảo hiểm chính hãng.


Xe Viva, tiết kiệm nhiên liệu (118km một lít xăng).
Bạn có thể giới thiệu người thân đến ngay để được hưởng chương trình khuyến mại diễn ra từ ngày 1/10 đến 31/10.

Thông tin chi tiết, liên hệ: Suzuki World Hà Nội, 24 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội. Tel: 04.73099779; Fax: 04.73069779.
Hotline bán hàng: 0963870033. Dịch vụ: 0963860033.

(Nguồn: Suzuki World Hà Nội)

Read More »

Cái nón bảo hiểm của cô Miêu

0 nhận xét
Cô Miêu ở đây là Trác Thúy Miêu, một nhà báo. Cái nón ở đây là cái mũ bảo hiểm màu đỏ. Sẽ chẳng có chuyện gì nếu một nhà báo đội mũ bảo hiểm ngoài đường. Không đội giờ mới là lạ! Vấn đề chỉ là dư luận “liệng đá” không thương tiếc khi cô Miêu đội cái nón bảo hiểm ấy trong trường quay, trên truyền hình quốc gia, trong một chương trình bình luận bài hát yêu thích.

Trác Thúy Miêu và câu chuyện "xì xào" về cái nón bảo hiểm

Có thể, do Miêu là một nữ nhà báo giỏi cãi vã mà ngay cả đạo diễn đanh đá Lê Hoàng cũng phải “tắt tiếng”, nên cô đội sẵn nón bảo hiểm để hứng những trận mưa đá!

Có thể, cái mũ bảo hiểm thời trang của cô ấy ra đường phát dính phạt liền.

Có thể cô ấy sợ sụp trần nhà!

Nhưng từ cái mũ bảo hiểm của cô Miêu, giang hồ hắc bạch bắt đầu nói đến phép lịch sự, nói đến “nhận thức và nền tảng văn hóa”, nói đến việc “cướp mic”, “ăn nói như chợ búa”, nói cả đến “văn hóa truyền hình”. Rồi mỉa mai đến điều mà cô ấy nói: “Tôi bay ra Hà Nội bằng hãng máy bay ngay sau vụ chiến dịch quảng cáo bị phản đối còn rầm rộ hơn cả những ồn ào của tôi. Theo thông tin cuối cùng mà tôi biết thì các người mẫu tham gia chiến dịch này, những cô gái trẻ từng bị thóa mạ nặng nề hơn tôi rất nhiều, cho đến nay vẫn an toàn và hạnh phúc. Thế nên ngày nào hãng máy bay vẫn còn bán vé và Ngọc Trinh vẫn còn sống đầy đủ, an toàn thì tôi nghĩ chẳng có gì đáng sợ lắm cho bản thân”.

Rồi thậm chí chửi thẳng luôn cả những ý kiến của cô Miêu, chỉ vì đó là những ý kiến không như mình nghĩ.

Nhấn mạnh, tất cả những điều đó chỉ vì cái nón của cô Miêu trong trường quay. Hay nói chính xác hơn, tất cả chỉ vì cô khác với những người khác.

Thật tội cho cô Miêu và thật oan cho cái nón.

Nếu bạn thấy việc đội mũ bảo hiểm trong trường quay là chướng tai gai mắt, xin hãy nhìn sang bên cạnh cô Miêu. Phải, nhạc sĩ Nguyễn Cường với chiếc mũ comboy huyền thoại vẫn sùm sụp từ ngày xửa ngày xưa mà thấy có ai ý kiến ý cò gì đâu.

Là lẽ công bằng mà thôi. Công bằng ở chỗ nếu đã là “văn hóa” thì không có lý do gì mà cô Miêu không thể đội mũ bảo hiểm khi ngồi cạnh bác comboy Nguyễn Cường. Công bằng ấy là việc chấp nhận những khác biệt, những ý kiến không giống mình. Nói như Voltaire “Tôi có thể không đồng ý với những gì ông nói, nhưng tôi sẽ đánh đổi cuộc đời để bảo vệ quyền được nói của ông”.

Nguồn: Lao Động

Bạn cũng có thể có một sự lựa chọn khác nếu cảm thấy sắp phát điên: Chuyển kênh.

Read More »

Để bảo vệ chính mình

0 nhận xét
Kể từ hôm nay 1.7, Nghị định 171 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt chính thức có hiệu lực. Nổi cộm và được dư luận quan tâm nhất là chiếc mũ bảo hiểm. Các lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử phạt những ai chạy mô tô, xe máy, xe máy điện úp trên đầu chiếc mũ bảo hiểm dỏm, sử dụng không đúng quy cách.

Kể từ hôm nay 1.7, Các lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử phạt những ai chạy mô tô, xe máy, xe máy điện úp trên đầu chiếc mũ bảo hiểm dỏm, sử dụng không đúng quy cách.

Đây là việc làm vô cùng cần thiết trong tình hình tai nạn giao thông ngày càng khủng khiếp ở nước ta, trong bối cảnh người tham gia giao thông bằng phương tiện mô tô, xe máy ngày càng nhờn luật, vi phạm pháp luật như cơm bữa. Mặc cho các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng, báo chí truyền thông liên tiếp cảnh báo, nhắc nhở, tuyên truyền phải chấp hành nghiêm túc luật Giao thông đường bộ nhưng bộ phận không nhỏ dân chúng vẫn cứ ì ra thách thức pháp luật với thái độ vô cảm. Không thể kéo dài, tái diễn mãi tình trạng “vô chính phủ” như vậy. Khi sự tuyên truyền, giáo dục đã đến giới hạn đỏ thì bắt buộc phải chuyển sang biện pháp răn đe, xử lý quyết liệt. Có như thế mới mong giảm nhẹ, đẩy lùi tình trạng tai nạn giao thông chết người.

Lại nhớ năm 2001 Chính phủ ra văn bản 407/CP-CN chỉ đạo việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã có không ít ý kiến bàn ra tán vào, thậm chí phản đối. Lạ ở chỗ, một chính sách đúng đắn an sinh xã hội như thế mà vẫn vấp phải sự không đồng tình. Tuy nhiên thực tế đã chứng minh quyết định đó hoàn toàn đúng đắn bởi nó phát huy ngay hiệu lực, giảm ngay những vụ tai nạn giao thông gây hậu quả trầm trọng, bảo vệ sinh mạng con người. Một bộ phận dân chúng từ chỗ nghi ngờ, ngãng ra đã dần tự giác thực hiện mà không cần phải dùng biện pháp áp chế nào. Chỉ có điều trong quá trình thực thi pháp luật ấy đã có những phát sinh tiêu cực, kẽ hở, mà tình trạng sử dụng mũ bảo hiểm dỏm là ví dụ cụ thể.

Chiếc mũ - miền Nam quen gọi là nón bảo hiểm, như tên gọi và chức năng của nó là để bảo vệ thân thể, tính mạng của người lưu thông bằng mô tô, xe máy, xe máy điện. Mũ bảo hiểm không cần cho chính phủ hay bất cứ đoàn thể, tổ chức nào, nó chỉ cần cho người chạy xe. Nại bất cứ lý do gì để tránh trớ việc đội mũ bảo hiểm chất lượng, hợp quy đều là tự hại chính mình. Không thể bao biện rằng làm sao phân biệt được mũ thật mũ giả, mũ tốt mũ dỏm. Bỏ 15.000 - 20.000 đồng ra mua chiếc mũ “bảo hiểm” được bán tràn lan vỉa hè thì thừa biết mũ đó có dỏm hay không. Chẳng qua là tự coi rẻ tính mạng mình và xem thường pháp luật mà thôi. Hãy tỉnh táo xác định: đội mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng, đúng quy cách để bảo vệ chính mình chứ chả phải cho ai khác.

Phạt người cố tình đội mũ dỏm là điều không cần bàn cãi nữa. Chốt lại được rồi. Từ hôm nay. Chỉ đề nghị cơ quan chức năng để mắt ngay và xử lý kiên quyết những cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ dỏm đang tràn lan hiện nay. Muốn chặt được cái ngọn sai phạm của người đội mũ dỏm, trước hết cần triệt tận gốc những nơi ngang nhiên vi phạm pháp luật ấy. Có hết những chiếc mũ dỏm bày bán công khai thì mới hết được chiếc mũ dỏm úp chụp đối phó trên đầu.

Nguyễn Thông / Thanh Niên Online

Read More »

Đôi nam nữ đi cặp Vespa 946 đắt tiền không mũ bảo hiểm

0 nhận xét
Hình ảnh đôi nam nữ đang lái cặp Vespa 946 màu trắng, đắt tiền không đội mũ bảo hiểm gây bão cộng đồng mạng.

Chủ đề "Cặp đôi xe ga 'hot' nhất hiện nay" được đăng tải trên một fanpage ngày hôm qua thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Địa điểm đôi nam nữ đang lái cặp Vespa 946 không được tiết lộ, nhưng nhiều khả năng là một địa phương ở miền Bắc.

Hình ảnh đôi nam nữ lái cặp Vespa 946 đắt tiền không đội mũ bảo hiểm đang gây sốt cộng đồng mạng. Ảnh: Xedepbiensodoc.

Hình ảnh đôi nam nữ lái cặp Vespa 946 đắt tiền không đội mũ bảo hiểm đang gây sốt cộng đồng mạng. Ảnh: Xedepbiensodoc.

Cũng theo chủ đề này, để sở hữu chiếc scooter chủ nhân phải bỏ ra số tiền gần 340 triệu đồng, tương đương với chiếc Kia Morning cộng với 300.000 đồng tiền không mũ bảo hiểm với không gương - ám chỉ người lái xe không thực hiện quy định an toàn khi tham gia giao thông.

Nhiều ý kiến của cộng đồng mạng bày tỏ sự ngưỡng mộ khi chủ nhân của cặp đôi xe tay ga đắt tiền là những thanh niên khá trẻ. Tuy nhiên, số khác chỉ trích ý thức không tuân thủ an toàn giao thông khi xe không có gương và chủ nhân không đội mũ bảo hiểm.

"Mua cái xe hơn 300 triệu mà không có tiền mua cái mũ bảo hiểm để đội. Đắng lòng thật", Tuấn Hunter bày tỏ. "Mình thấy như thế là bình thường. Nói chung là họ có tiền", một người khác có ý kiến trái chiều.

Trong khi đó, một người dùng Facebook là Hà Lacoste cho rằng, "Quan trọng là ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ".

Ở Việt Nam hiện nay có khá nhiều chiếc scooter Vespa 946 giá 340 triệu đồng biển số đẹp lăn bánh trên đường. Những chiếc xe được nhắc tới như biển ngũ quý 1 ở Vĩnh Long, ngũ quý 5 ở Đồng Nai. Một số người còn sở hữu cả cặp Vespa 946 như trường hợp một người chơi xe ở Sóc Trăng.

Theo Zing


Read More »

Phạt người đi xe máy đội mũ bảo hiểm "thời trang"

0 nhận xét
(Dân trí) - Những người tham gia giao thông bằng xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội các loại mũ thời trang không phải là mũ bảo hiểm sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.


Từ ngày 1/7, người tham gia giao thông bằng xe gắn máy đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách, không phải mũ bảo hiểm sẽ bị xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng

Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TPHCM cho biết từ ngày 1/7/2014, lực lượng CSGT sẽ xử lý đối với những trường hợp người tham gia giao thông bằng môtô, xe máy, xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách hoặc đội mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy. Hoạt động này nhằm thực hiện theo kế hoạch của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia về việc triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy.

Theo quy định, người điều khiển, người ngồi trên các phương tiện như: xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy khi tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểmdành cho người đi mô tô, xe máy” có cài quai đúng quy cách. Cụ thể, kéo quai mũ bảo hiểm sang hai bên rồi đội mũ và đóng khoá mũ lại. Không được để quai mũ lỏng lẻo mà phải đóng khít với cằm. Sau khi đội mũ bảo hiểm cần kiểm tra lại bằng cách: dùng tay kéo mũ từ đằng sau ra đằng trước hoặc nâng phần trên trước trán (hoặc phần cằm đối với mũ cả hàm) lên rồi kéo ra đằng sau, mũ không được bật ra khỏi đầu.

Đặc biệt, mũ bảo hiểm phải có cấu tạo đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo. Phải được gắn dấu hợp quy CR, trên mũ bảo hiểm có ghi nhãn hàng hoá, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, cỡ mũ; tháng, năm sản xuất…


Người tham gia giao thông đội những loại nón thời, mũ đua ngựa trang cũng sẽ bị xử phạt như hành vi không đội mũ bảo hiểm

Trước đó, nhằm chấn chỉnh sự bát nháo tại thị trường mũ bảo hiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã ký văn bản chỉ đạo các lực lượng kiểm tra, xử lý vấn nạn mũ bảo hiểm dỏm.

Văn bản ghi rõ huy động tổng lực các cơ quan ban ngành: Bộ Khoa học - công nghệ, Bộ Công thương, Bộ GTVT, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố, cơ quan truyền thông...vào cuộc với việc phân chia nhiệm vụ cụ thể. Nhìn vào nội dung văn bản chỉ đạo này có thể tin rằng tới đây mũ bảo hiểm dỏm sẽ không còn đất sống khi cả gốc lẫn ngọn từ sản xuất, kinh doanh đến người sử dụng đều bị kiểm tra, xử lý vi phạm.

Trước đây, Thông tư 06 quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng nón bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy (có hiệu lực từ ngày 15/5/2013) đã xác định rất rõ chức năng, trách nhiệm của từng bộ. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thực hiện quy định về kết cấu, nhãn mác, tem đối với mũ bảo hiểm, Bộ Công an thực hiện việc xử phạt…

Tuy nhiên, hơn 1 năm qua, những câu chuyện xoay quanh chiếc mũ bảo hiểm vẫn hết sức nan giải dù một lực lượng hùng hậu được huy động vào cuộc và Luật đã có đủ.

Trung Kiên /Báo Dân Trí 

Read More »

Vấn đề mũ bảo hiểm : Phạt “nạn nhân” (?!)

0 nhận xét
Trong lúc lực lượng chức năng chưa triệt phá hết các cơ sở sản xuất, buôn bán mũ bảo hiểm rởm, thì việc xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm khiến dư luận băn khoăn, hoài nghi! Phạt người đội mũ bảo hiểm rởm là phạt “nạn nhân”?!


Người dân rất khó phân biệt đâu là mũ bảo hiểm thật - rởm. (Ảnh: Internet)

Bắt đầu từ 1/7, người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp máy (người điều khiển và người đi cùng) không đội mũ bảo hiểm, đội nón bảo hiểm không đúng quy cách hoặc đội mũ không phải mũ bảo hiểm (mũ bảo hiểm rởm - ĐD) sẽ bị xử phạt.

Việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm là một chủ trương đúng và đã được triển khai từ nhiều năm nay góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Đồng hành với chủ trương bắt buộc đội mũ bảo hiểm là chủ trương truy quét tận gốc việc sản xuất, buôn bán mũ bảo hiểm rởm. Nhưng rồi sau những lần ra quân truy quét rầm rộ, mũ bảo hiểm rởm tiếp tục bày bán công khai ở nhiều địa phương.

Đầu năm 2013, Liên bộ Khoa học và Công nghệ, Công thương, Công an, Giao thông Vận tải soạn thảo Thông tư liên bộ với quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm. Tuy nhiên, trước sự phản ứng của dư luận, Thông tư liên bộ đã phải gác lại. Cũng trong năm 2013, nhiều địa phương thực hiện “thí điểm” đổi mũ bảo hiểm rởm lấy mũ bảo hiểm thật. Nhưng việc “thí điểm” thực hiện chưa được bao lâu thì lặng lẽ rút lui!

Việc xác định mũ bảo hiểm thật - rởm không chỉ khó với người dân, mà còn khó cả với cơ quan chức năng. Một năm trước, khi góp ý về Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, lãnh đạo ngành Giao thông Vận tải bộc bạch: “Trách nhiệm về hàng rởm là thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước nên không thể phạt người dân đội mũ bảo hiểm rởm được. Người dân không thể phân biệt được nón bảo hiểm kém chất lượng hay thế này thế kia”.

Đặt ra quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm không khó, cái khó là phải phù hợp với thực tiễn, lòng dân và không lãng phí nguồn lực xã hội. Khi thực hiện quy định mới lạ này, người dân sẽ bị phiền hà, ngành Công an phải thêm lực lượng, thêm thiết bị để xác định đâu là mũ bảo hiểm thật - rởm...

Để nói không với mũ bảo hiểm rởm, cần các giải pháp đồng bộ, trong đó có việc kiên trì tuyên truyền, thuyết phục để người dân nhận thức đầy đủ về tác hại của mũ bảo hiểm rởm. Khi thị trường mũ bảo hiểm thật - rởm còn lẫn lộn thì người đội nón bảo hiểm rởm có thể coi như nạn nhân...

Cũng như hàng nghìn thị trường khác, thị trường mũ bảo hiểm minh bạch và không có hàng rởm, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Người dân sẽ mãi là nạn nhân khi cơ quan quản lý nhà nước về thị trường không làm hết trách nhiệm./.

Theo Dân Trí / Báo Đảng Cộng Sản

Read More »

Không đội mũ bảo hiểm bị cảnh sát thổi phạt, phụ huynh học sinh lại… “làm trò”

0 nhận xét
(Dân trí) - Bị cảnh sát giao thông “tuýt còi” vì không đội mũ bảo hiểm cho con, người phụ nữ xuống xe năn nỉ rồi bật khóc. Tưởng chú cảnh sát làm gì mẹ, đứa con cũng khóc theo, cảnh sát chỉ biết lắc đầu.
Đó là tình huống mà anh Trần Lê Phong (công an Q.12, TPHCM) và nhiều cảnh sát giao thông (CSGT) khác thường xuyên gặp phải khi xử lý vi phạm trẻ ngồi sau xe máy không đội mũ bảo hiểm (MBH).

Quy định có - khó xử phạt

Anh Phong kể, gặp các ông bố đỡ nhì nhèo hơn nhưng phần lớn các chị mới là người đưa đón con đến trường. Các bà mẹ dùng đủ chiêu để năn nỉ CSGT, nếu hai bên lời qua tiếng lại nói về sự việc cũng dở vì đứa trẻ có thể có ấn tượng không hay, không đúng về CSGT và lẫn cả người mẹ.

“Nếu xử phạt nhanh cũng mất 10 - 15 phút nhưng trẻ đang vội đến trường, mình làm sao giữ lại?. Việc xử lý vi phạm trẻ em không đội mũ bảo hiểm khi ngồi xe máy rất khó nên phần lớn, đành nhắc nhở rồi cho đi. Khi tan giờ học may ra còn áp dụng biện pháp xử phạt được nhưng phụ huynh cũng có nhiều lý do lắm”, CSGT này cho hay.

Phụ huynh được bảo vệ an toàn, còn hai đứa con đối diện với nhiều nguy hiểm về an toàn giao thông khi không được đội mũ bảo hiểm. 

Hội nghị tổng kết “Dự án tăng cường thực hiện quy định đội nón bảo hiểm cho trẻ em” 2011 - 2013 tại TPHCM diễn ra vào ngày 16/1 nêu ra con số: Trong 3 giai đoạn thực hiện việc kết hợp giữa tuần tra, kiểm soát và xử phạt của dự án với tổng thời gian gần nửa năm thực hiện ở một số quận huyện (quận 1, 9, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Hóc Môn…) chỉ có trên 4.000 trường hợp phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho trẻ bị xử phạt.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên tránh Ban ATGT TPHCM cho hay, tỷ lệ trẻ em không đội nón bảo hiểm rất cao (trước đây chỉ khoảng 22% và sau dự án khoảng 60% trẻ trên 6 tuổi đội  mũ bảo hiểm ) nhưng số trường hợp bị xử phạt lại rất thấp.

Nguyên nhân hàng đầu là luật cho phép xử phạt nhưng phạt không dễ, phụ huynh có đủ lý do để được “bỏ qua”. Khi bị công an bắt lỗi, phụ huynh cùng dùng trẻ để xin xỏ, chỉ cho con cách nói dối đủ kiểu để được tha.

“Phạt không nổi, nhạy cảm quá. Phụ huynh thì có tâm lý đối phó, CSGT không dám làm căng thì sợ các cháu bị ảnh hưởng, muộn giờ học. Ngành giáo dục đề nghị chúng tôi phạt nặng nhưng thật ra công an chỉ có thể xử lý bằng tình, nhắc nhở là chính với lỗi này”, đại diện Ban ATGT Q. Bình Tân bày tỏ.

Một CSGT ở Q.1 cho rằng, trường học cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về việc trẻ em đội nón bảo hiểm chứ không nên chờ vào việc xử phạt.

“Theo tôi, nón bảo hiểm phải được xem như một dụng cụ học tập của trẻ, nhà trường nên bố trí chỗ để. Còn để phụ huynh giữ thì có lúc họ tiện đường đón hoặc nhờ người khác đón con thì lại không mang theo mũ”, người này đề xuất.

Giáo dục chờ phạt nghiêm

Nhiều trường học TPHCM đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục về ATGT, trong đó tập trung nhiều vào nội dung trẻ em cũng phải đội mũ bảo hiểm. Cái khó là việc trẻ em đội mũ bảo hiểm hay không lại là do bố mẹ, chứ không phải ở bản thân các em, nhất là ở bậc tiểu học. Bên cạnh học sinh, đối tượng giáo dục còn là phụ huynh.

Trong khi, nhiều phụ huynh chủ quan hoặc quá tự tin vào tay lái của mình, tin rằng mình hoàn toàn bảo vệ được con nếu xảy ra sự cố mà “bỏ qua” việc chấp hành luật lệ, cùng trẻ đối phó quy định.

Trái ngược là khi CSGT kêu khó xử phạt thì nhiều lãnh đạo ngành giáo dục lại đề nghị phạt thật nặng phụ huynh không đội mũ cho con. Đại diện Q.9 còn đề xuất áp dụng mức phạt cao nhất của vi phạm không đội nón bảo hiểm cho con (200.000 đồng) thì mới hỗ trợ được việc giáo dục, tuyên truyền.

Ngành giáo dục đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền về đội mũ cho học sinh, nhưng kẹt ở chỗ người vi phạm lỗi này là ở phụ huynh. Trong ảnh: Học sinh TPHCM tham gia Ngày hội đội mũ bảo hiểm.

Ông Trần Khắc Huy (Sở GD-ĐT TPHCM) cho hay, việc giáo dục trong nhà trường rất cần thiết. Nhiều trường tổ chức tuyên truyền đội nón bảo hiểm cho trẻ đến phụ huynh thông qua các buổi họp đầu năm, ký cam kết đội mũ cho con, đưa nội dung này vào lễ khai giảng, thông qua đội ngũ giáo viên chủ nhiệm… Sở cũng sẽ đưa ra nhiều biện pháp, trường nào chậm được khắc phục, nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm sẽ bị nhắc nhở và đưa vào xét thi đua.

Tuy nhiên, ông Huy cũng tha thiết cho rằng việc để tuyên truyền đạt hiệu quả thì cần phải kết hợp chặt với việc xử phạt nghiêm từ CSGT, còn chỉ chờ vào giáo dục thì không ổn vì trường học không thể xử phạt phụ huynh.

Câu chuyện chiếc nón bảo hiểm của trẻ em được bàn từ lâu, đến giờ ngành công an và ngành giáo dục vẫn không hết vướng, giữa giáo dục và xử phạt đều “kẹt”. Trong việc này, đối tượng quan trọng nhất là cha mẹ học sinh lại là người lơ là, chủ quan đối với tính mạng của con mình. Không ít phụ huynh đang đòi hỏi đủ thứ ở nhà trường nhưng có những việc trong khả năng có thể làm cho con thì họ lại đứng ngoài cuộc.

Bên cạnh sự an toàn, điều đáng ngại là các em dễ dàng bị ảnh hưởng bởi lối sống không chấp hành pháp luật, cố tình vi phạm từ chính bố mẹ mình. Việc rèn luyện kỹ năng sống cũng như hình thành nhận thức, suy nghĩ cho đứa trẻ sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

Hoài Nam / http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bi-canh-sat-thoi-phat-phu-huynh-hoc-sinh-lai-lam-tro-828763.htm

Read More »